Các Lỗi Thường Gặp Khi Mới Chơi Thủy Sinh
  1. Home
  2. Hồ Thủy Sinh
  3. Các Lỗi Thường Gặp Khi Mới Chơi Thủy Sinh
Rium Center 6 tháng trước

Các Lỗi Thường Gặp Khi Mới Chơi Thủy Sinh

Các Lỗi Thường Gặp Khi Mới Chơi Thủy Sinh

1. Nóng Vội

Đây là sai lầm thông dụng nhất, người mơi tập chơi hay muốn có 1 hồ đẹp, ổn định ngay, muốn cây cối căng đẹp thật nhanh và thả cá tép sớm.

Lời khuyên đầu tiên cho những bạn muốn bước chân vào thú chơi này là hãy tập tính kiên nhẫn nếu không muốn mãi thất bại. 1 hồ thủy sinh 1 là hệ sinh thái thu nhỏ do chính mình tạo ra, và 1 hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ nhiều yếu tố không thể nào 1 sớm 1 chiều là hoàn hảo được.

Nhiều bạn mới chơi thường nóng vội thả cá tép quá sớm, ngay sau khi set hồ hoặc trong thời gian trước khi hệ vi sinh ổn định (thường là 3-4 tuần), và khả năng cá tép chết trong thời gian này là rất cao. Mặt khác, khi cá tép chết trong thời gian hồ chưa ổn định sẽ tiếp tục làm hệ thống khó ổn định hơn.
Lời khuyên: sau khi set hồ, chạy lọc cỡ 3-4 tuần mới nên thả cá tép, có thể châm vi sinh, sục oxi cho hệ vi sinh phát triển nhanh hơn.

2. Lỗi Lựa Chọn Phụ Kiện Thủy Sinh

Nói đơn giản là bạn lựa chọn phụ kiện không phù hợp với hồ của mình dẫn tới tốn kém về kinh phí vốn được đầu tư khá dè dặt vì bạn là người mới.

Có một số bạn dùng nhiều đèn một cách không cần thiết các bạn muốn hồ mình thật sáng. Các bạn không tìm hiểu xem loại cây mình trồng có thật sự cần nhiều đèn hay không? Hay bạn đang bỏ qua nhu cầu của cây cối trong hồ mà chỉ bật đèn để phục vụ mắt của mình? Ánh sáng là lượng năng lượng lớn bạn cung cấp cho hồ thủy sinh, nếu những cây thích bóng râm phải hứng chịu 1 lượng ánh sáng lớn thì sẽ rất yếu, dễ vàng, cháy lá. Ngoài ra khi năng lượng dư thừa thì rêu hại sẽ phải xuất hiện để hấp thụ năng lượng đó. Thậm chí những loại cây thích sáng cũng dễ chăm hơn khi bạn dùng ánh sáng vừa phải, đỡ phải cung cấp thêm nhiều co2 hay phân nước.

Lỗi Hồ Thủy Sinh Bị Thiếu Ánh Sáng Hồ thuỷ sinh bị thiếu sáng là một trong những nguyên nhân khiến cho hồ của bạn không thể xanh đẹp

Không sử dụng lọc tràn trên: Lọc tràn trên chỉ thích hợp cho những bể nuôi các cảnh đơn thuần, không thích hợp cho bể thủy sinh

3. Lỗi Thả Cá Trong Hồ thủy Sinh

Thả quá nhiều cá, thả cá không phù hợp, cho cá ăn quá nhiều, chăm sóc cá quá nhiều
Hồ thủy sinh vốn là một không gian nhỏ bé mô tả lại một hệ sinh thái. Hệ sinh thái nhỏ chỉ phù hợp với những loại cá nhỏ, không nên thả cá lớn, nó sẽ làm mất cân đối hồ và gây ra hậu quả nếu bạn không hiểu một chút về tập tính của loại cá mình sẽ thả.

Nhiều người hay tiếc một số loại cá khi nâng cấp từ hồ cá cảnh lên hồ thủy sinh. Những loại cá từ hồ cũ không phù hợp với hồ mới do những tập tính như đào nền, cắn phá cây, tấn công cá khác, tranh giành lãnh thổ…

Nhiều bạn quá tham cá mà thả quá nhiều, hoặc thả những loại cá không phù hợp (cá phá cây, phá nền, cá ị quá nhiều làm dơ nước…). Chất hữu cơ trong phân cá là nguyên nhân chủ yếu gây mất cân bằng hệ vi sinh và gây bùng phát rêu hại – kẻ thù số 1 của hồ thủy sinh. 1 vấn đề quan trọng nữa là các bạn nên cho cá ăn vừa phải, 1 lần / ngày là đủ, vì thức ăn cá là nguồn hữu cơ rất lớn. Hạn chế cho tay vào hồ và tránh chăm sóc cá quá kĩ 1 cách không cần thiết.
Nên thả 1 số lượng cá vừa phải, ví dụ hồ 100 lít nước – 60 cm nên chỉ thả 30-40 con cá thủy sinh như cá neon, sóc đầu đỏ, hồ 90cm (200 lít nước) có thể thả 60-70 con, và hồ 1m2 (300 lít) có thể thả 90-100 con cá.

Những loại cá nên hạn chế thả trong hồ thủy sinh là: cá mún (có thể thả 1 vài con thời gian đầu để cá dọn bớt nhớt từ lũa), cá 7 màu, cá ong tiên (nên thả ít), cá bống vàng (nên hạn chế vì nó hay đào nền), cá chuột (hạn chế vì hay cào nền làm bụi hồ)…

Để có một hồ thủy sinh đẹp thì chúng ta cũng nên biết hy sinh một chút ở khía cạnh nào đó.

4. Chưa Tìm Hiểu Kỹ Về Thủy Sinh Và Áp Dụng Thiếu Chọn Lọc

Tìm hiểu chỉ đơn giản là lấy chút kiến thức cần thiết chuẩn bị cho bạn trong thú chơi này. các bạn mới chơi có thể tìm đọc những các bài viết trên VNaqua.Com như: “vi sinh trong hồ thủy sinh”, “bộ lọc hồ thủy sinh”, “ánh sáng trong hồ thủy sinh”, “những loại cá nuôi trong hồ thủy sinh”, “rêu hại trong hồ thủy sinh”….

Hồ thủy sinh có nhiều loại, nhiều phong cách và cách chơi. Mỗi hồ thủy sinh khác nhau cũng có 1 hệ thống vi sinh, môi trường hoàn toàn khác nhau. Nên việc bạn áp dụng hoàn toàn 1 kinh nghiệm, cách chơi của 1 hồ nào đó cho hồ bạn là hơi vô lý. Bạn nên tiếp nhận ý kiến, kinh nghiệm có sự sàng lọc và áp dụng 1 cách có logic và điều chỉnh cho hợp lý.

5. Không Dành Thời Gian Chăm Sóc Hồ

Bạn hãy cố dành chút thời gian cho hồ mỗi ngày, vừa tận hưởng thành quả  của mình, vừa tìm những vấn đề bất ổn để tìm hướng giải quyết sớm. Hồ thủy sinh sẽ luôn đẹp và ổn định hơn nếu được quan tâm, chăm sóc hằng ngày.

Một kế hoạch rõ ràng, cụ thể giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu, tăng hiệu quả công việc. Để đảm bảo bể cá của bạn luôn trong tình trạng tốt nhất, bạn nên có lịch bảo trì, chăm sóc đều đặn.
Các hoạt động bảo trì bao gồm:

  • Thay nước
  • Kiểm tra các thông số, thành phần của nước
  • Làm sạch bể và bộ lọc

Bạn nên dành 1-4 tiếng hàng tuần để bảo trì bể cá của mình. Con số chính xác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, cảnh quan, hệ thống thiết bị của bạn.

6. Lỗi Thay Nước Quá Nhiều, Vệ Sinh Hồ Lọc Quá Kỹ

Bạn đừng quá lạm dụng việc thay nước quá nhiều, trong trường hợp bắt buộc phải thay nước nhiều thì nên chia nhỏ ra hằng ngày sẽ tốt hơn. Nên kết hợp với việc quan sát tình trạng hồ mà đưa ra kế hoạch thay nước, vệ sinh hồ và lọc 1 cách hợp lý.

Đừng bao giờ vệ sinh lọc quá kĩ và đừng bao giờ thay nước và vệ sinh lọc chung 1 ngày.

Nhiều bạn mới chơi nghĩ rằng hồ mới set, hồ dơ thì càng thay nhiều nước càng tốt, thậm chí thay 100% nước hằng ngày. Thật ra việc thay nước và chăm sóc hồ tùy thuộc từng hồ, từng loại nền… Nhưng gốc rễ của 1 hồ thủy sinh ổn định là có 1 hệ vi sinh ổn định, và việc thay nước quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh này.

Theo nguyên tắc chung, bạn nên thay 15% lượng nước trong bể mỗi tuần. Tuy nhiên, những người chơi mới thường bỏ qua điều này, dẫn đến tình trạng nước kém đi. Điều kiện nước không tốt dễ khiến cá bị căng thẳng, dễ mắc bệnh.

7. Lạm Dụng Quá Nhiều Sản Phẩm Không Cần Thiết

Tâm lý người mới chơi thường hay nghe ai đồn hay đọc sơ qua về các sản phẩm thủy sinh là mua về cho vào hồ 1 cách vô tội vạ. Nên cân nhắc và tìm hiểu, hỏi những bạn có kinh nghiệm tư vấn thêm cho mình về những sản phẩm thủy sinh và cách sử dụng.

8. Lỗi Nền Hồ Thủy Sinh Bị Tắc

Bọt khí thoát ra từ nền khi bạn dùng que chọc xuống nền; các loại ốc chuyên đào nền (ốc trumpet mã Lai…) không chui xuống nền mà trồi đầu lên; khi nhổ thử vài cây lên thấy hệ rễ kém phát triển hoặc chuyển qua màu đen và rữa.

Nguyên nhân: Do nền bị nén quá chặt, bị nghẽn do chất thải cặn lắng đọng, len lỏi vào giữa những khe hở của hạt nền.

Cách xử lý: Trong quá trình thay nước, xới nền lên nhè nhẹ và dùng ống xi lanh hút cặn thải ra

9. Lỗi Nước Hồ Thủy Sinh Thiếu Oxy 

Nước trong hồ thiếu oxy cũng là một trong những lý do khiến cá, tép dễ bị chết hoặc yếu hơn bình thường. Hồ thiếu oxy sẽ làm cá bị stress, bơi lật nghiêng, ngáp ngoi trên mặt nuớc. Nếu tình trạng kéo dài, cây cối trở nên còi cọc.

Nguyên nhân: Do thiếu sáng hoặc thiếu dinh duỡng làm cây chậm lớn, quá trình quang hợp kém dẫn đếm giảm phóng thích oxy vào môi truờng nuớc, giảm chuyển hoá nitơ. Hoặc có thể do bổ sung quá nhiều CO2 vào hồ (trên 30ppm).

Biện pháp xử lý: Ðiều chỉnh hệ thống ánh sáng (tăng sáng), kiểm tra lọc (vệ sinh lọc), kiểm tra hệ thống CO2 (giảm nếu quá nhiều), tăng cuờng dòng chảy, bổ sung dinh duỡng (phân nuớc, phân nhét).

10. Lỗi Trồng Cây

Nguyên tắc cơ bản nhất trong các nguyên tắc trồng cây thủy sinh là cây thấp trồng phía trước, cây cao trồng phía sau, trừ khi bạn cố tình làm khác đi vì mục đích riêng. Không nên trồng cây theo ngẫu hứng, sau khi được nghe ý kiến tham khảo xong ta lại phải nhổ cây cắm lại, như vậy cây vừa bị sốc lần một (chuyển từ chậu vào hồ) lại dính tiếp cú sốc lần hai (nhổ lên cắm lại). Qua lần sàng lọc này, những cây không thích nghi kịp sẽ đội nón ra đi hoặc èo uột, thiếu sức sống.

Không nên trồng cây quá thưa, hãy trồng thật dày cây để định hình không gian sống của từng loại cây ngay từ đầu. Về sau cây của bạn sẽ lên mau rậm hơn, mau thành khóm, cụm hơn. Hồ của bạn mau đi vào ổn định hơn. Lý do là thời gian đầu của hồ dinh dưỡng trong nước và nền rất dồi dào, nếu cây quá thưa thớt so với khối lượng dinh dưỡng nền tất sẽ làm nảy sinh rêu hại. Mặt khác, các loại cắt cắm trồng thưa thân sẽ không mọc thẳng mà có xu hướng “bò” ra không gian trống xung quanh.

11. Lỗi Bố Cục

Tỷ lệ vàng, những hồ thủy sinh đẹp luôn đi theo tỷ lệ này. Để đơn giản hóa vấn đề, ta chia chiều dài hồ thành 3 phần ước lệ, hãy sắp xếp điểm nhấn của bố cục vào ranh giới giữa phần 1 và phần 2 hoặc ranh giới phần 2 và phần 3. Đó là tỷ lệ vàng, là điểm vàng của hồ thủy sinh. Điểm vàng sẽ giúp bạn giành điểm trong các cuộc thi, là điểm mốc đầu tiên để bạn hình dung về bố cục hồ mà bạn sẽ làm. Đến một trình độ nào đó bạn sẽ phá vỡ tỷ lệ này mà vẫn tạo ra được một bố cục hồ thủy đẹp trong mắt tất cả mọi người.

Con số tự nhiên, khi trình bày bố cục đá, hãy cố gắng sử dụng số lượng các khối đá là số lẻ, điều này sẽ làm bố cục đá của bạn trông tự nhiên hơn. Bên cạnh đó hãy chú ý tới vân, thớ của đá, nếu các vân, thớ này không sắp xếp song song với nhau theo cùng hướng sẽ tạo ra sự lộn xộn trong bố cục, mất đi vẻ tự nhiên mà bạn đang cố gắng tái hiện.
Người mới chơi thì không cần quan tâm tới bố cục. Đúng vậy, tuy nhiên chúng ta cũng nên tuân theo hai nguyên tắc cơ bản nhất về bố cục để hồ thủy sinh của chúng ta có cơ hội đẹp hơn trong mắt nhiều người ngay từ lần đầu trình làng.

12. Vấn Đề Rêu Hại

Rêu hại cũng như cỏ dại trong luống rau xanh, bạn không thể diệt tận gốc. Không có hồ nào vắng mặt rêu hại, vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh của hồ được đánh giá ở chỗ ta hạn chế được nhiều hay ít sự tồn tại của rêu hại mà thôi. Đừng vội nghĩ tới việc sử dụng hóa chất khi gặp rêu hại, cái gì cũng có nguyên do của nó, xử lý được “gốc” chúng ta sẽ nhàn hạ hơn trong việc xử lý toàn bộ vấn đề.

13. Vấn Đề Dinh Dưỡng Cho Hồ Thủy Sinh

Không nên trộn các loại nền hồ thủy sinh khác thương hiệu với nhau. Đơn giản vì mỗi loại nền có một công thức dinh dưỡng khác nhau, trộn với nhau tất sẽ gây thừa một số chất này lại thiếu một số chất khác. Chỉ nên trộn nếu bạn nắm rõ đặc tính ưu, nhược của từng loại nền và có khả năng kiểm soát các vấn đề phát sinh.
Khi châm dinh dưỡng nước cần nghe ngóng tình hình và điều chỉnh liều lượng phù hợp. Hướng dẫn của nhà sản xuất không áp dụng cho riêng một hồ nào cả. 

14. Liên Tục Bố Trí Lại Bể Thủy Sinh

Việc liên tục bố trí lại các cảnh quan, thiết bị trong bể thủy sinh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cá và cây trồng. Bạn nên thiết lập bể cẩn thận trước khi bắt đầu thả cá và tránh tối đa việc thay đổi.

15. Quá Tin Tưởng Vào Người Bán Hàng

Trên thực tế, có rất nhiều người bán hàng có tâm, sẵn sàng đưa cho bạn những lời khuyên bổ ích cho việc nuôi cá. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bán không có đủ kiến thức, đưa ra những lời khuyên sai lầm.
Vì vậy, trước khi bạn mua cá hay bể cá, bạn nên tìm hiểu một số thông tin cơ bản trên mạng. Khi mua hàng, hãy cân nhắc kỹ các thông tin người bán đưa cho bạn.

Rium.VN
Trang Thông Tin Uy Tín Về Thú Cưng, Thủy Sinh Và Cá Cảnh

Tham gia hội nhóm trên Zalo

Kênh thú cưng
Hội nuôi tép lạnh

Đánh giá

244 lượt xem | 0 bình luận